Cách Dạy Con Bình Tĩnh, Nhẹ Nhàng Chỉ Qua Một Câu Nói

Có một thời điểm trong quá trình nuôi dạy con, tôi nhận ra một điều khá đặc biệt: có những kỹ năng rất quan trọng với trẻ nhỏ, như bình tĩnh, nhẫn nại, hay dịu dàng, nhưng lại rất khó để “dạy” trực tiếp bằng lời. Không phải vì con không chịu nghe, mà vì đơn giản là… con chưa có trải nghiệm để hiểu lời nói đó thật sự có nghĩa gì.

Tôi nhớ có lần, khi chơi cùng mẹ, con trai tôi bất ngờ vung tay đánh khá mạnh vào người mẹ. Không phải vì giận dữ, mà là vì hưng phấn. Trong một tích tắc, bạn ấy không kiểm soát được lực. Gương mặt mẹ nhăn lại vì đau. Và ngay sau đó, con òa lên khóc. Không phải vì bị la mắng, mà vì bạn ấy cảm thấy có lỗi khi nhìn thấy mẹ đau. Cơn khóc ấy là một dấu hiệu rõ ràng: bạn ấy chưa hiểu rằng hành động của mình có thể gây ra nỗi đau. Nhưng đồng thời cũng cho thấy bạn ấy rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác.

Khi trẻ chưa biết “độ để dừng”

Ở trẻ nhỏ, kỹ năng tự điều chỉnh hành vi không tự nhiên mà có. Cũng giống như cách trẻ học đi, học nói, thì việc học cách kiểm soát lực, kiểm soát cảm xúc cũng là một quá trình. Trẻ cần được “hiệu chỉnh” dần dần qua những phản hồi phù hợp từ người lớn.

Khi tôi quan sát con, tôi nhận ra có 3 điều quan trọng:

  • Con chưa biết đâu là “độ vừa phải” để dừng.

  • Con cần được học thông qua phản hồi, nhưng phản hồi đó phải đủ tinh tế.

  • Nếu phản hồi không đúng, nó có thể gây ra cảm giác tội lỗi và co rút ở con.

Chúng tôi đã từng phạm sai lầm khi la hoặc nghiêm mặt quá mức. Cái chúng tôi tưởng là “dạy dỗ”, lại khiến con cảm thấy mình là “người xấu” khi không kiểm soát được. Từ đó, thay vì học được kỹ năng, con dễ rơi vào phòng thủ hoặc buồn bã.

Thực hành “gentle” – dạy con dịu dàng qua hành động

Chúng tôi quyết định thay đổi cách phản hồi. Thay vì trách mắng, chúng tôi mô phỏng lại hành động của con – nhưng dịu dàng hơn.

Ví dụ, nếu con vừa đánh quá mạnh, tôi sẽ nhẹ nhàng cầm tay con và nói:
“Gentle, gentle…”

Vừa nói, tôi vừa diễn lại hành động đó một cách mềm mại, từ tốn.
Tôi đưa tay con chạm vào tay mẹ nhẹ nhàng, mỉm cười và nói:
“Đúng rồi, gentle như vầy nè.”

Chúng tôi lặp lại vài lần, không vội vàng. Mỗi lần con làm được động tác dịu dàng, chúng tôi vỗ tay cùng con. Rất nhanh, bạn ấy kết nối được từ “gentle” với hành vi dịu dàng, chứ không còn là một âm thanh trống rỗng vang lên mỗi khi bị nhắc nhở.

Và điều bất ngờ xảy ra: từ lúc đó, chỉ cần chúng tôi nói “be gentle”, con lập tức dừng lại, điều chỉnh lực, và… vỗ tay.

Vỗ tay, như một cách công nhận chính mình.
Vỗ tay, như một phản xạ tích cực với việc làm chủ được hành vi.

Dạy con nhẫn nại – không phải lúc con mất kiên nhẫn

Một tình huống khác xảy ra thường xuyên hơn – đó là khi con mất bình tĩnh.

Khi con không được đáp ứng ngay điều mình muốn, hoặc bị gián đoạn trong trò chơi, bạn ấy sẽ khóc ầm ĩ, vùng vằng. Lúc ấy, bản năng của người lớn thường là… nói:
“Bình tĩnh nào”, “Be patient con ơi!”

Tệ hơn, có người còn quát “im lặng !” (chúng tôi không làm điều này)

Nhưng chúng tôi cũng từng nói con bình tĩnh, be patient, và kết quả là – con không những không bình tĩnh hơn, mà còn khóc to hơn. Như thể tiếng “be patient” chỉ là một mệnh lệnh vô nghĩa. Con không hiểu. Không kết nối được. Vì khi đó, trạng thái tâm lý và lời nói không ăn khớp.

Chúng tôi nhận ra: muốn dạy con nhẫn nại, không thể dạy trong lúc con đang mất nhẫn nại.
Giống như không thể dạy bơi cho một người đang hoảng loạn giữa hồ.

Lặp lại câu nói trong trạng thái tích cực

Vậy nên, chúng tôi bắt đầu dạy con ngay trong lúc con đang… bình tĩnh.

Trong những khoảnh khắc chơi vui vẻ, khi chờ mẹ lấy đồ ăn hay đợi đến lượt chơi, nếu con chờ được vài giây mà không phản ứng gì, chúng tôi mỉm cười:
“Be patient”

Con nghe. Không chỉ nghe bằng tai, mà nghe bằng cả cơ thể – vì lúc ấy bạn đang trong trạng thái nhẫn nại thật sự. Và khi nghe từ “be patient” được gắn với trạng thái dễ chịu đó, dần dần con học được nghĩa thật sự của nó.

Sau vài lần, khi con bắt đầu nôn nóng, chúng tôi chỉ cần nhẹ nhàng nói:
“Be patient.”
Và con… thở ra. Dịu lại. Có khi vỗ tay. Như một cái neo nhỏ được cài đặt từ trước.

Ngôn ngữ không đủ, trẻ cần trải nghiệm trạng thái

Điều chúng tôi rút ra từ những lần như vậy là:
Ngôn ngữ không đủ.
Ngay cả người lớn, khi nghe ai đó bảo “bình tĩnh đi” lúc mình đang giận, thì có thể còn thấy bực mình hơn, chứ chưa chắc đã bình tĩnh được.

Với trẻ con, mọi thứ còn cần được “cài đặt” bằng cơ thể.
Trẻ cần được trải nghiệm trạng thái mà ta muốn dạy – thông qua gương mặt, giọng nói, hành động và năng lượng từ người lớn.

Nói cách khác, khi muốn dạy con bình tĩnh, ta phải:

  • Dành thời gian tạo ra trạng thái bình tĩnh một cách có ý thức.

  • Đặt tên cho trạng thái đó bằng từ khóa (ví dụ: “bình tĩnh”, “be patient”).

  • Lặp lại nhiều lần trong những lúc an toàn, vui vẻ.

Đó là cách để một từ ngữ – vốn vô nghĩa với trẻ – trở thành “câu thần chú” có tác dụng thực sự.

Dạy qua phản chiếu – cha mẹ là chiếc gương lớn nhất

Một điều nữa mà chúng tôi nhận ra:
Con học nhanh nhất không phải qua lời nói, mà là qua phản chiếu.

Nếu chúng tôi muốn con dịu dàng, nhưng chính mình lại cau có, la mắng – thì thông điệp “be gentle” sẽ vô nghĩa.

Nếu chúng tôi muốn con bình tĩnh, nhưng lại căng thẳng, hấp tấp, thở dồn dập – thì “bình tĩnh” chỉ là một mệnh lệnh rỗng tuếch.

Vì vậy, mỗi lần nói “be gentle”, chúng tôi thả lỏng vai, chậm lại, cười nhẹ. Mỗi lần nói “be patient”, chúng tôi hít sâu và thở ra một hơi dài.

Con nhìn thấy. Con nghe thấy. Và con cảm nhận được.

Sự học hỏi diễn ra từ toàn bộ năng lượng của người dạy, không phải chỉ từ miệng nói.

Việc dạy con bình tĩnh, dạy con nhẫn nại, dạy con dịu dàng thật ra không bắt đầu bằng việc nói – mà bằng việc chúng ta sống trong trạng thái đó, rồi gợi tên cho nó, để con có thể gọi tên cảm xúc, gọi tên hành vi, và từ đó chọn lựa lại khi cần.

Một câu nói đơn giản như “be gentle”, “bình tĩnh”, “be patient” chỉ phát huy tác dụng khi trẻ có một trải nghiệm tích cực kèm theo.

Từ ngữ là tín hiệu. Nhưng trạng thái mới là nội dung thật sự của bài học.


Nếu bạn đang trong hành trình nuôi dạy một em bé nhỏ, hãy thử dạy con bằng những câu nói nhẹ nhàng – nhưng đúng lúc, đúng trạng thái. Và nhớ rằng, sự học hỏi lớn nhất của trẻ chính là thông qua việc phản chiếu từ người thân yêu nhất của mình.

Nhận Bản Tin Qua Email

Nhận ngay những chia sẻ ý nghĩa và góc nhìn thú vị từ tôi, giúp bạn có thêm cảm hứng và kiến thức hữu ích.

Đăng ký email để không bỏ lỡ bất kỳ bài viết hay cập nhật giá trị nào!

Chú ý: khi bạn đăng ký nhận bản tin ở đây, bạn sẽ nhận được thông báo về toàn bộ các bài viết về mọi chủ đề trong trang của tôi