Từ Một Người Thiếu Tự Tin Trở Thành Chủ Doanh Nghiệp: Hành Trình Vượt Qua Giới Hạn Bản Thân

Chào bạn,

Trước đây, tôi từng là một người vô cùng thiếu tự tin, luôn cảm thấy mình kém cỏi so với mọi người xung quanh

Tuổi thơ thiếu tự tin

Từ khi còn là học sinh tiểu học, tôi đã luôn tự ti vì cảm thấy mình không giỏi bằng các bạn.

Các bạn đều là những học sinh xuất sắc, thường xuyên được nhận giấy khen và phần thưởng. Còn tôi, dù cố gắng đến đâu, cũng chỉ đạt được mức trung bình và “lên lớp cho có”.

Thậm chí, cô giáo dạy cấp 1 còn nói với bố mẹ tôi rằng: “Thương em ấy chăm chỉ nên cho lên lớp!”.

Tôi nhớ có một lần, tôi tự nguyện tham gia đội nghi thức của trường. Được mặc đồng phục đẹp và đứng trong đoàn diễu hành trong lễ tổng kết năm học khiến tôi rất hào hứng.

 

Thế nhưng, tôi không phải là người được đứng trên khán đài để nhận phần thưởng học sinh giỏi.

Khi đó, một giọng nói ngạc nhiên vang lên bên tai tôi: “Ơ kìa, Kiên không được nhận phần thưởng à?”.

Trong mắt bạn ấy, thành viên đội nghi thức phải là người học giỏi. Lúc đó, tôi ước gì có một phần thưởng dành cho tất cả thành viên đội nghi thức, bất kể học lực của họ thế nào, để tôi khỏi phải xấu hổ.

Vì thế, tôi bỏ đội nghi thức mà không nói lý do với cô giáo. Trong đầu tôi chỉ nghĩ: “Mình chỉ cần làm một người bình thường là đủ.”

Từ bỏ những điều mình thích vì sợ bị chê

Tôi thích hát và hay huýt sáo, nhưng lại nghĩ người bình thường hát không hay và sẽ bị chê cười, nên tôi bỏ.

Tôi thích chơi với những bạn nữ xinh đẹp, học giỏi, nhưng tự nhủ người bình thường như mình không đẹp trai và học không giỏi, nên tôi đành phải giả vờ như mình không thích họ.

Nỗ lực chứng minh bản thân và sự thật về thành tích

Thế nhưng, sâu thẳm bên trong, tôi vẫn khao khát được chứng nhận thành tích, ít ra cũng phải là học sinh tiên tiến.

Tôi đã phấn đấu suốt 12 năm trời, và cuối cùng, vào học kỳ 2 của năm cuối cấp, tôi đã đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến. Tôi cảm thấy mãn nguyện, nhưng đồng thời cũng nhận ra một điều: chứng nhận thành tích chẳng để làm gì.

  • Tôi không có nhiều giấy khen để treo trên tường.
  • Tôi có một tờ giấy khen và cũng chẳng ai quan tâm.
  • Dù là học sinh tiên tiến, tôi vẫn phải tự mình đối diện và vượt qua kỳ thi đại học đầy áp lực.
  • Chứng nhận hay thành tích, thực sự không giúp tôi đạt được điều gì trong tương lai.

Thay đổi tư duy và bước ngoặt cuộc đời

Tôi bắt đầu tập trung hơn vào những điều mình thực sự muốn ở hiện tại, mặc dù trong lòng vẫn còn đâu đó suy nghĩ “mình đã chọn làm một người bình thường”.

Một cơ may đã đến với tôi, có thể nói là một bước ngoặt thay đổi nhận thức về bản thân: tôi nhận được học bổng du học ở Trung Quốc.

Bước ngoặt ở Trung Quốc: Cởi bỏ vỏ bọc

Thời gian học ở Trung Quốc không dài, chỉ hơn hai năm. Gia đình tôi không khá giả, nên tôi trân trọng từng giây phút được học tập tại đây, vì tôi không biết liệu mình có cơ hội quay lại lần nữa hay không. Chính vì vậy, tôi tạm quên đi cái mác “người bình thường” của mình.

Tôi cởi bỏ con người cũ, trở nên cởi mở với các bạn học đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi quản lý chi tiêu hợp lý để có thể đi du lịch, chủ động lên kế hoạch đi chơi và mời bạn bè tham gia, tôi sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Tôi trở nên tự tin hơn vào bản thân.

Thực ra, ở nơi đó chẳng ai biết đến những “yếu kém” của tôi, vậy thì tại sao không sống như mình mong muốn?

kiên coaching đòn bẩy công nghệ

Trở về Việt Nam và những bài học từ thương trường

Sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định trở về Việt Nam, mặc dù cô giáo hướng dẫn đã gợi ý tôi nên ở lại Trung Quốc lập nghiệp bằng việc dạy tiếng Việt.

Một lần nữa, tấm bằng đại học dường như không còn quá quan trọng, vì tôi chọn con đường kinh doanh.

Tôi phải học lại từ đầu, nhưng không phải ở trường lớp, mà là ở cuộc sống thực tế.

Tôi học bán hàng trong công ty của người quen. Lần đầu tiên đi gặp khách hàng, tôi vô cùng run sợ, nhưng rồi dần học được cách tư vấn nhiệt tình, và nỗi sợ hãi cũng biến mất từ lúc nào không hay.

Tôi học cách làm website, viết blog, học cách gửi email bằng tiếng Anh. Không lâu sau, tôi bắt đầu có khách hàng từ internet, thậm chí “bắt” được nhiều khách hàng nước ngoài. Trong số đó, có một người sau này đã trở thành sếp của tôi.

Thành công trong kinh doanh và sự thay đổi về nhận thức

Hiểu về nghề và cách sử dụng internet, không lâu sau, tôi cùng một số người bạn đã thành lập công ty riêng. May mắn tiếp tục mỉm cười với chúng tôi, khi nhận được đơn hàng từ những khách hàng lớn như Highland Coffee, Hải Hà Kotobuki, Cổng Vàng, Melia,… và một số công ty gia công xuất khẩu đặt chúng tôi sản xuất phụ kiện cho sản phẩm của họ. Tất cả họ đều là những khách hàng trung thành của chúng tôi.

Sự bận rộn khiến tôi quên đi cái mác “người bình thường”. Tôi thích phong cách doanh nhân, nhưng lại ăn mặc xuề xòa. Tôi từng mặc bộ quần áo cũ kỹ, nhăn nheo đi tư vấn cho Tổng giám đốc của một thương hiệu lớn. Có lẽ, lý do duy nhất tôi được bảo vệ cho qua là vì có bà xã đi cùng.

Đó là một quãng thời gian đáng nhớ.

Tôi đã tự mình thay đổi, từ một người thiếu tự tin, luôn thấy mình không giỏi, không đẹp trai, trở thành một chủ doanh nghiệp, có thể bắt tay với các quản lý cấp cao, thậm chí là Tổng giám đốc của các thương hiệu lớn.

Tôi cũng tự chứng minh cho bản thân thấy rằng, học vị hay bằng cấp không liên quan gì đến sự thành công trong kinh doanh. Trong kinh doanh, chẳng ai hỏi bạn học gì, bằng cấp gì, mà khách hàng chỉ quan tâm liệu bạn có thể giúp họ giải quyết vấn đề hay không.

Khách hàng đưa ra “đề bài”, và tôi là người giúp họ giải “bài toán”. Kinh doanh chỉ đơn giản là như thế.

Bài toán cuộc đời: Hạnh phúc và ý nghĩa

Một khách hàng lớn trong cuộc đời tôi đã đưa ra một “đề bài” khó: “Làm thế nào để có thể vừa làm việc vừa cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa?”.

Người đó chính là vợ tôi. Cô ấy không muốn tiếp tục làm doanh nghiệp chỉ để kiếm tiền, mà muốn tìm thấy ý nghĩa thực sự trong công việc mình làm.

Thế là, chúng tôi đóng cửa doanh nghiệp, cùng nhau lên đường đi tìm lời giải.

“Em muốn trở thành một nhà đào tạo, giúp người khác thay đổi cuộc sống.” Cô ấy lại tiếp tục đưa ra “đề bài”.

“Đồng ý!” Việc cô ấy trở thành nhà đào tạo và giúp đỡ người khác phụ thuộc vào khả năng của cô ấy. Bài toán tôi cần giải ở đây là: làm thế nào để mang “người khác” đến cho cô ấy đào tạo và thay đổi cuộc sống của họ.

Một lần nữa, những kiến thức và kỹ năng về internet của tôi lại được áp dụng. Tôi mang về cho cô ấy hàng chục người trong mỗi phiên Zoom trực tiếp, và từ đó, có những người đã trở thành học viên trung thành của cô ấy đến tận bây giờ.

Gia đình là ưu tiên hàng đầu

Chúng tôi có em bé!

Chúng tôi bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới của cuộc sống, một bước ngoặt với chút “khủng hoảng” ngọt ngào.

Chúng tôi cần dành trọn vẹn thời gian để chăm sóc con.

Hơn ai hết, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của sự có mặt của cha mẹ trong những năm tháng đầu đời của con, nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển và hình thành nhân cách của con trong tương lai.

Vì thế, ngoài vai trò là một người cha, một người chồng, tôi còn là một “bảo mẫu” toàn thời gian: tắm rửa cho con, mặc bỉm, chơi cùng con,…

“Em muốn mình có thể dành trọn vẹn thời gian cho con mà công việc vẫn tiếp tục, ít ra thì vẫn có khách hàng chứ không nên là mình dừng làm việc thì hết khách hàng.” Cô ấy lại đưa ra một “đề bài” khác cho tôi.

Vâng, doanh nghiệp lớn nhất mà tôi đang phục vụ bây giờ chính là gia đình tôi. Khách hàng lớn nhất mà tôi đang phục vụ bây giờ là vợ con tôi. Tôi không cần phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng ở đâu xa xôi, hay cố gắng lôi kéo ai mua dịch vụ của mình, bởi vì tôi luôn có “bài toán” cần giải.

Bài toán ngược và sự giác ngộ

Tôi còn nhớ hồi thi đại học, môn toán của tôi được 3.5 điểm. Quá tuyệt vời! Trong đó, 2.5 điểm là dành cho những bài toán cơ bản mà học sinh nào cũng giải được, còn 1 điểm là dành cho bài toán phân loại học sinh giỏi.

Bài toán phân loại học sinh giỏi thực ra không phải là bài toán chứng minh tôi giỏi, nó chỉ là bài toán dành cho người có tư duy ngược mà thôi. Và có lẽ, vì tôi tự xem mình là một người bình thường, còn số đông là những người tài giỏi, nên tôi có tư duy ngược so với số đông.

Bà xã tôi là người bán hàng và chốt đơn rất giỏi, nhưng cô ấy lại yêu cầu tôi làm sao để không cần phải chốt đơn, không cần phải đi tìm kiếm khách hàng, không cần phải lên Zoom dạy trực tiếp hàng chục người liên tục,… để có thêm thời gian cho con mà công việc vẫn diễn ra bình thường?

Cô ấy gần như từ bỏ năng lực “siêu bán hàng”, trở thành một người “bình thường” nhưng vẫn yêu cầu công việc có hiệu suất cao để dành trọn thời gian cho gia đình.

Bản thân tôi cũng thấy rằng, thật may mắn vì đã dừng doanh nghiệp trước kia. Nếu không, làm sao tôi có thể chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc bên con?

Đó là một bài toán khiến tôi trăn trở rất nhiều.

Và cũng cần một thời gian đủ dài để tôi thử nghiệm và đi đến sự giác ngộ.

Tôi không dám ví mình giác ngộ như Đức Phật về Tứ diệu đế, nhưng ít ra, tôi đã nhìn thấy một sự thật trong vận hành công việc. Điều đó khiến tôi quyết định từ bỏ việc theo dõi những “ngôi sao triệu phú”, từ bỏ những “tip & trick”, từ bỏ cách làm của người khác để quay lại và bắt đầu mọi thứ từ chính mình.

Đòn bẩy công nghệ trong kinh doanh

Tôi đặt tên cho phương pháp này là “đòn bẩy công nghệ trong kinh doanh”. Một cái tên có lẽ không thể diễn tả hết được nội dung, nhưng ít ra, nó cũng cho bạn một hình dung nhất định.

Nếu bạn là bất kỳ ai đang mong muốn có nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho bản thân, nhưng hiệu suất công việc vẫn cao, thậm chí cao hơn.

Hoặc bạn đang muốn bắt đầu một công việc kinh doanh online chỉ với một mình bạn, hoặc thêm một người nữa là vợ hoặc chồng bạn.

Thì bạn có thể tham khảo “đòn bẩy công nghệ trong kinh doanh”. Biết đâu, tôi có thể giúp bạn giải “bài toán” của mình.

Chào mừng bạn đến với website cá nhân của tôi. Chúc bạn có những thu hoạch hữu ích!