Nhận Bản Tin Qua Email

Nhận ngay những chia sẻ ý nghĩa và góc nhìn thú vị từ tôi, giúp bạn có thêm cảm hứng và kiến thức hữu ích.

Đăng ký email để không bỏ lỡ bất kỳ bài viết hay cập nhật giá trị nào!

Chú ý: khi bạn đăng ký nhận bản tin ở đây, bạn sẽ nhận được thông báo về toàn bộ các bài viết về mọi chủ đề trong trang của tôi

Làm Thế Nào Để Tạo Điều Kiện Tốt Nhất Cho Sự Phát Triển Của Con?

Cho đến khi có con, thì tôi mới thực sự nghiêm túc nghiền ngẫm câu hỏi này. Trước đó, tôi vẫn nghĩ mình hiểu biết nhiều, mình “giỏi” trong việc giúp đỡ người khác. Nhưng hóa ra, “dạy con” lại là một bài học hoàn toàn khác, một thử thách lớn lao hơn bất cứ điều gì tôi từng trải qua.

Và cuối cùng, sau nhiều trăn trở, tìm tòi, tôi đã tìm ra được câu trả lời. Nó không đến từ những lý thuyết cao siêu, mà đến từ chính trải nghiệm hơn chục năm đi “dạy” người khác cách sống, cách làm việc, và từ trải nghiệm tự huấn luyện bản thân cũng như chuyên môn nghiên cứu trong các lĩnh vực Phật học, Đạo học, Coaching & Mentoring, Tâm lý học, kinh doanh.

Câu trả lời là gì?

Môi trường.

Không gì khác ngoài môi trường. Cần phải có môi trường tốt nhất cho con.

Nghe có vẻ hiển nhiên, phải không? Nhiều cha mẹ cũng đã thấy điều này, cho nên họ tìm kiếm các trường quốc tế cho con từ khi mới bắt đầu đi học, thậm chí bán đất bán nhà cho con đi du học. Sự hy sinh thật lớn lao! Nhưng… điều đó chưa hẳn đã đúng.

Vậy thế nào là môi trường thích hợp để con phát triển tốt nhất?

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rõ, con cần phát triển cái gì, sau đó mới nói đến môi trường.

Khi con đến với cha mẹ, môi trường đầu tiên của con chính là dạ con. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng để con phát triển tốt nhất trước khi chào đời, “căn nhà” đầu tiên con ở phải lành mạnh, khỏe mạnh. Có bao nhiêu ông bố bà mẹ thực sự nghĩ đến điều này? Có bao nhiêu người chuẩn bị cho “căn nhà” ấy trước khi đón con?

Rồi đến “căn nhà” thứ hai, là căn nhà có mặt cha và mẹ. Bạn có thể đi thuê nhà, có thể đi ở nhờ, không sao hết. Đối với con, ở đâu có mặt cha mẹ, ở đó là nhà.

Môi trường để con phát triển ở giai đoạn đầu đời này, chính là bản thân cha mẹ.

Hãy nhìn vào tấm hình tôi chia sẻ ở bên trên. Cha mẹ là tâm của sự ảnh hưởng. Cha mẹ chính là môi trường đầu đời của con.

Hàng loạt nghiên cứu khoa học đã chỉ ra vai trò vô cùng quan trọng của cha mẹ trong việc hình thành nên nhân cách và sự thành công của con sau này. Tình yêu thương, sự quan tâm, cách giao tiếp, những thói quen, những giá trị sống… tất cả đều được con “hấp thụ” từ cha mẹ.

Môi trường này đã lành mạnh chưa? Có ông bố bà mẹ nào thực sự chú tâm tới môi trường quan trọng này không?

Tự thân cha mẹ, chính bạn, là môi trường quan trọng nhất cho sự phát triển của con.

Nếu cha mẹ không chú ý tới điều này, sẽ gặp rất nhiều trở ngại trong việc nuôi dạy con sau này. Và đáng buồn là khi con bộc lộ “vấn đề”, nhiều cha mẹ lại tìm cách “sửa” con, thậm chí còn gắn nhãn là con tự kỷ, con tăng động. Thật là tội nghiệp cho các con quá đi!

Tiếp theo là môi trường gia đình, nơi có cả cha lẫn mẹ, có thể có ông bà, có cô cậu chú bác sống cùng nhau. Mỗi người một tính cách, mỗi người một màu sắc, con sẽ hấp thụ đủ cả. Có bao giờ bạn đau đầu vì cách ông bà dạy con? Vì những mâu thuẫn trong cách giáo dục? Đó chính là những “thách thức” của môi trường gia đình.

Và cuối cùng, mới đến môi trường xã hội, nơi mà nhiều cha mẹ thường tập trung tìm kiếm: trường học, nơi ở… để cho con có điều kiện tốt nhất. Nhưng thực ra, môi trường xã hội chỉ thực sự tốt khi hai môi trường phía trước (cha mẹ và gia đình) được đảm bảo.

Bạn có biết câu chuyện về mẹ của Mạnh Tử, người đã 3 lần chuyển nhà để dạy con? Thật cảm động! Nhưng người ta thường chỉ thấy được bà ấy chuyển vị trí để ở 3 lần, chứ không thấy được bản chất sâu xa của câu chuyện.

Bà ấy là một người phụ nữ thấm nhuần tư tưởng Nho giáo. Tự thân bà ấy là một môi trường lành mạnh trong thời kỳ sống của bà ấy. Bà ấy chỉ sống có một mình cùng với con trai, vì thế môi trường gia đình không có gì đáng ngại. Thậm chí, nếu có gia đình thì càng tốt, vì sao? Vì gia đình của bà chắc hẳn phải rất “Nho giáo” thì mới tạo ra được một người mẹ chất lượng như vậy.

Bà ấy đã đảm bảo ba môi trường quan trọng đầu tiên. Việc còn lại là tìm môi trường xã hội thích hợp cho con được học tập. Thế nên, chúng ta mới có câu chuyện để đọc và ca tụng.

Còn khi áp dụng vào thực tế, bạn cần tỉnh táo một chút. Bạn có thể chuyển nhà vì con, nhưng hai cái “nhà” ảnh hưởng tới 95% sự phát triển của con là chính bạn và gia đình bạn, cần phải được quan tâm đúng mức.

Vậy còn môi trường vạn vật thì sao? Vạn vật có mặt ở khắp nơi. Chỉ cần cho con đi tham quan thường xuyên, lựa chọn đồ chơi phù hợp, là được. Trẻ con học hỏi từ mọi thứ xung quanh, từ thiên nhiên, từ những con vật, từ những đồ vật…

Bạn muốn tạo điều kiện tốt nhất để con trưởng thành, phát triển, có thể tự suy nghĩ, tự nhận thức, tự thân, tự lập, thành công và hạnh phúc trong tương lai?

Hãy bắt đầu từ môi trường đầu tiên: chính bạn. Hãy tự hỏi bản thân:

  • Mình đã thực sự là một “môi trường” tốt cho con chưa?
  • Mình có những thói quen, những suy nghĩ, những hành động nào cần thay đổi để tốt hơn cho con?
  • Mình có dành đủ thời gian và sự quan tâm cho con không?
  • Mình có đang tạo ra một bầu không khí gia đình ấm áp, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau không?

Đó là những câu hỏi quan trọng mà mỗi bậc cha mẹ cần tự vấn.

Tôi có một video dài khoảng 2 tiếng chia sẻ về điều này. Nếu bạn quan tâm, bạn có thể đăng ký xem ở đây, hoàn toàn miễn phí. Bởi vì tôi tin rằng, việc chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm này là một cách để chúng ta cùng nhau tạo ra những thế hệ tương lai tốt đẹp hơn.